Giá máy tăng, chi phí vận hành bị đẩy cao, người tiêu dùng chịu thiệt… ngành game thế giới lại một lần nữa phải đối mặt với cơn bão mới mang tên thuế quan.
Chỉ vài ngày sau khi Nintendo công bố ngày phát hành và mức giá chính thức của Switch 2, làng game thế giới lại rúng động vì một thông tin gây sốc từ Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp đặt thuế quan diện rộng lên hàng hóa nhập khẩu từ 185 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Đây là một phần trong nỗ lực tái cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa của Mỹ. Tuy nhiên, với các ngành công nghiệp dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu như game, động thái này có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.
Switch 2 có nguy cơ trở thành nạn nhân đầu tiên
Theo chuyên gia Louise Wooldridge từ Ampere Analysis, thiết bị phần cứng chính là mảng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong ngắn hạn. “Hầu hết các máy chơi game đều được lắp ráp tại Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng phải trải qua công đoạn sản xuất tại đó. Đáng nói, Nintendo trước đó đã cố gắng chuyển dây chuyền sang Việt Nam để tránh thuế, nhưng hiện nay Việt Nam cũng bị áp mức thuế lên đến 46%, một đòn giáng ngoài dự đoán”, bà nhận định.
Mức giá 450 USD của Switch 2 nhiều khả năng đã được Nintendo ấn định trước khi lệnh thuế được công bố. Việc thay đổi giá trong giai đoạn ra mắt là gần như bất khả thi. Do đó, hãng có thể sẽ buộc phải tăng giá game để bù vào chi phí phần cứng, giống như trường hợp của Mario Kart World với mức giá 80 USD – một con số không dễ chấp nhận với nhiều game thủ.
Ngành console Mỹ đứng trước ngã rẽ
Thị trường console Mỹ là mảnh đất quan trọng bậc nhất với bất kỳ hãng game nào. Theo số liệu năm 2024 từ Ampere Games, nước Mỹ chiếm đến 45% tổng chi tiêu của người dùng toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ console. Việc đánh thuế có thể làm giảm số lượng máy được bán ra, khiến giá game tăng cao, hoặc thúc đẩy xu hướng chuyển sang nội dung kỹ thuật số.
Dù kịch bản nào xảy ra, toàn ngành cũng sẽ phải điều chỉnh chiến lược để thích nghi. Các nhà phát hành nhỏ và studio độc lập – vốn đã lao đao vì làn sóng sa thải thời gian qua – sẽ càng khó trụ lại trong một thị trường đầy biến động.

Di động cũng không tránh khỏi rủi ro
Không chỉ console, lĩnh vực game di động cũng đang chịu tác động. Apple – một trong những tên tuổi lớn nhất ngành – đã bốc hơi hơn 300 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một tuần sau khi lệnh thuế được công bố. Do phần lớn chuỗi cung ứng của hãng nằm tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, giá các thiết bị như iPhone, iPad có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Nên nhớ, Mỹ cũng là thị trường game di động số 1 thế giới, với doanh thu lên đến 25,8 tỷ USD trong năm 2024 (không tính các kho ứng dụng Android của Trung Quốc). “Nếu chi phí vận hành tăng vì các linh kiện, máy chủ bị đánh thuế cao, nhà phát triển có thể sẽ chuyển gánh nặng sang người dùng cuối”, bà Wooldridge nhận định.
Đồng thời, việc tỷ giá biến động và lạm phát tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, kéo theo sự sụt giảm chi tiêu cho giải trí số.
Cuộc chiến thương mại có thể chưa dừng lại
Trong khi đó, nhiều quốc gia đang cố gắng đàm phán để được miễn trừ hoặc giảm thuế. Trước đây, Apple từng được miễn thuế Trung Quốc dưới thời ông Trump, nên khả năng có các ngoại lệ không phải là không thể.
Tuy nhiên, cũng có kịch bản tiêu cực hơn: một cuộc chiến thương mại quy mô lớn có thể nổ ra, kéo theo nguy cơ suy thoái toàn cầu. Nếu điều đó xảy ra, ngành game – vốn chỉ vừa mới có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn khó khăn 2022-2023 – sẽ bị đẩy lùi thêm một lần nữa.
Thị trường chắc chắn vẫn sẽ có những sản phẩm chất lượng và doanh nghiệp vững vàng. Nhưng trong bối cảnh bất ổn hiện tại, việc lên kế hoạch dài hạn hay đầu tư vào các dự án lớn là điều không dễ dàng.
Trong khi kỳ vọng về một thế hệ console mới mang lại làn gió tích cực cho làng game, thì thuế quan lại trở thành lực cản lớn nhất, đe dọa cắt đứt đà phục hồi vừa chớm nở của toàn bộ hệ sinh thái.