Sứ mệnh Tianwen-2 sắp được Trung Quốc phóng lên không gian, hướng tới hai thiên thể đặc biệt trong Hệ Mặt Trời – một tiểu hành tinh nghi là mảnh vỡ từ Mặt Trăng và một sao chổi “hóa thạch sống” trong vành đai tiểu hành tinh.
Theo thông báo từ Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), Tianwen-2 sẽ được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (tỉnh Tứ Xuyên) vào ngày 29 tháng 5 tới. Đây là sứ mệnh không người lái, có mục tiêu tiếp cận tiểu hành tinh Kamoʻoalewa, thu thập 100 gram mẫu vật và đưa về Trái Đất. Sau đó, tàu sẽ lợi dụng lực hấp dẫn Trái Đất để tiếp tục hành trình dài đến sao chổi 311P/PanSTARRS nhằm thực hiện các quan sát từ xa.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc thu thập mẫu vật từ một tiểu hành tinh và đưa về Trái Đất, đồng thời cũng là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử nhắm tới một loại thiên thể hiếm gặp – quasi-satellite (vệ tinh gần Trái Đất).
Kamoʻoalewa là một quasi-satellite độc đáo: nó không quay quanh Trái Đất như Mặt Trăng, mà di chuyển theo quỹ đạo tương tự Trái Đất quanh Mặt Trời, tạo thành những vòng xoắn bất quy tắc quanh hành tinh chúng ta. Các nhà khoa học nghi ngờ Kamoʻoalewa có thể là một mảnh vỡ của Mặt Trăng, bị văng ra sau một vụ va chạm thiên thạch cách đây hàng triệu năm.
Trong khi đó, 311P/PanSTARRS lại là một hiện tượng kỳ lạ khác. Dù có quỹ đạo nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, nó lại mang diện mạo giống một sao chổi, với nhiều đuôi bụi đá bay ra từ thân thể quay tít của nó. CNSA gọi đây là một “hóa thạch sống”, cung cấp manh mối quý giá về thành phần vật chất nguyên thủy và sự tiến hóa của Hệ Mặt Trời.
Dù mang theo nhiều kỳ vọng, Tianwen-2 là một sứ mệnh khó nhằn và đầy rủi ro. Theo tiến sĩ Leah-Nani Alconcel (Đại học Birmingham, Anh), tiểu hành tinh Kamoʻoalewa có tốc độ quay nhanh, khiến việc tiếp cận và lấy mẫu trở nên cực kỳ khó khăn. Quá trình điều hướng có thể yêu cầu máy tính cực mạnh, đến mức các dữ liệu cảm biến và hình ảnh sẽ phải gửi về Trái Đất để xử lý.
Here we go: the Tianwen-2 near Earth asteroid sample return & comet rendezvous mission spacecraft has been transported to the launch area at Xichang spaceport. Launch in late May (28-30). pic.twitter.com/GxA0XJkXG1
— Andrew Jones (@AJ_FI) May 18, 2025
“Nếu ta chỉ chọn những thiên thể ‘dễ thương’ và hợp tác, thì sẽ chẳng học được gì mới cả”, bà Alconcel nhận xét. “Càng khó, thì khả năng học hỏi càng lớn, dù rủi ro cũng không nhỏ.”
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi quanh mức độ minh bạch của Trung Quốc trong việc chia sẻ dữ liệu. Bà Alconcel, từng làm việc với CNSA trong dự án vệ tinh Double Star, bày tỏ nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ không công bố công khai kho dữ liệu khoa học từ sứ mệnh Tianwen-2, như các cơ quan vũ trụ phương Tây thường làm. “Chúng tôi từng rất khó khăn để đàm phán. Một khi họ đã nhận được thông tin từ phía chúng tôi, thì họ không còn mặn mà trao đổi lại nữa”, bà nói thêm.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, mẫu vật từ Kamoʻoalewa sẽ trở về Trái Đất vào cuối năm 2027, trong khi tàu vũ trụ dự kiến chỉ tiếp cận sao chổi 311P/PanSTARRS vào năm 2034 – một hành trình kéo dài gần một thập kỷ.
Dù còn nhiều hoài nghi, Tianwen-2 vẫn là minh chứng cho tham vọng không gian ngày càng lớn của Trung Quốc, với mục tiêu không chỉ vươn ra vũ trụ mà còn góp phần giải mã nguồn gốc và lịch sử của Hệ Mặt Trời chúng ta.