Một tiểu hành tinh vừa được phát hiện sẽ có một cuộc tiếp cận gần nhưng không gây nguy hiểm tới Trái Đất vào ngày 21/5. Tiểu hành tinh này, có tên gọi 2025 KF, sẽ bay qua khoảng cách chỉ bằng một phần ba khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Theo NASA, 2025 KF sẽ lướt qua hành tinh của chúng ta vào khoảng 1:30 chiều giờ ET ngày 20/5 (tức 17:30 GMT), ở khoảng cách chỉ 71.700 dặm (tương đương 115.000 km). Với tốc độ khoảng 41.650 km/h, tiểu hành tinh sẽ bay qua gần cực Nam của Trái Đất rồi tiếp tục hành trình quanh Mặt Trời.
2025 KF không nằm trong danh sách các vật thể nguy hiểm tiềm tàng. Nó cũng không gây ảnh hưởng đến Mặt Trăng, vì sẽ cách vệ tinh tự nhiên của chúng ta hơn 226.000 km.
Tiểu hành tinh có đường kính ước tính từ 10 đến 23 mét – tương đương một ngôi nhà – và được phát hiện chỉ một ngày trước đó (ngày 19/5) bởi các nhà thiên văn học tại dự án MAP ở sa mạc Atacama, Chile.

Ngay cả trong trường hợp cực đoan là 2025 KF rơi xuống Trái Đất, NASA cho biết kích thước nhỏ của nó sẽ khiến vật thể này cháy rụi hoàn toàn trong khí quyển, không gây ra mối đe dọa nào cho cư dân Trái Đất.
NASA đã ghi nhận gần 40.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất (NEAs) kể từ năm 1998, và trung bình mỗi năm đều có những vật thể cỡ xe hơi bay sượt qua Trái Đất. Trong số đó, khoảng 4.700 được phân loại là nguy hiểm tiềm tàng, nhưng các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất (CNEOS) khẳng định rằng khả năng một tiểu hành tinh đủ lớn để gây thiệt hại quy mô lớn va chạm với Trái Đất trong vòng 100 năm tới là cực kỳ thấp.
Đáng chú ý, cuộc tiếp cận của 2025 KF không phải là lần bay gần nhất từng được ghi nhận. Kỷ lục này thuộc về một tiểu hành tinh cỡ xe hơi đã bay qua cách Trái Đất chỉ 2.950 km vào năm 2020 – và còn sống sót để tiếp tục hành trình trong vũ trụ.