Hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành game, Web3 gaming từng được kỳ vọng sẽ trao lại quyền lực cho nhà phát triển và người chơi. Nhưng đến nay, dù được rót hàng tỷ USD, mô hình này vẫn chưa thể hiện thực hóa những gì đã cam kết. Không những vậy, Web3 gaming còn đang tái tạo lại chính những vấn đề mà nó từng tuyên bố sẽ phá vỡ.
Sau đại dịch, ngành game toàn cầu bước vào giai đoạn khó khăn. Năm 2024 chứng kiến hàng loạt studio đóng cửa, hàng chục nghìn nhân sự mất việc. Trong khi đó, chi phí phát triển game ngày càng tăng cao, còn sự đổi mới thì dường như khựng lại.
Web3 xuất hiện như một giải pháp cứu cánh, với lời hứa giúp indie studio thoát khỏi ách kiểm soát của nhà phát hành lớn. Thế nhưng, thay vì mở lối đi mới, nhiều nền tảng lại xây nên những khu vườn đóng kín, nơi mà game thủ khó tiếp cận, còn gameplay thì bị hy sinh để phục vụ cơ chế token.
“Blockchain ban đầu được sinh ra cho tài chính, không phải cho game. Những nhà phát triển bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc họ xây game trên nền tảng vốn không dành cho họ, hoặc tự phát triển chuỗi riêng – thứ khiến họ tách biệt khỏi toàn bộ hệ sinh thái.”
Sự lựa chọn này, tưởng như mang lại quyền kiểm soát, lại khiến trải nghiệm người chơi trở nên tệ hại. Mỗi nền tảng tự dựng nên rào chắn, khiến chính họ cô lập bản thân và khó mở rộng cộng đồng.

Tệ hơn nữa, đa phần Web3 game hiện nay không tập trung vào điều cốt lõi: tạo ra những trò chơi hấp dẫn. Thay vì lắng nghe game thủ, các dự án lại chăm chăm vào yếu tố kỹ thuật và tokenomics. Hệ quả là người chơi không tìm thấy lý do để gắn bó, ngoài việc cày cuốc kiếm thưởng.
Một báo cáo từ DappRadar hồi tháng 1 cho biết, có đến 7,3 triệu ví hoạt động hàng tháng trong mảng Web3 gaming. Tuy nhiên, số người thực sự chơi game vì đam mê được ước tính chỉ dao động từ 10.000 đến cao nhất là 100.000.
Điều này phản ánh sự lệch pha rõ rệt giữa cộng đồng crypto và làng game. Trong khi Web3 vẫn đặt nặng vào NFT hay DeFi, thì phần đông game thủ phổ thông chỉ quan tâm đến trải nghiệm gameplay. Nếu Web3 có thể mang lại quyền sở hữu tài sản trong game một cách minh bạch và dễ tiếp cận, đó mới là hướng đi khiến người chơi chuyển dịch sang onchain.
Thực tế cho thấy, các studio muốn tiếp cận Web3 nhưng lại e ngại tính phức tạp. Họ phải làm quen với hạ tầng kỹ thuật khó nhằn, học cách xây dựng thanh khoản và giữ chân người dùng trong khi vẫn đảm bảo game mượt mà. Điều này khiến nhiều dự án nửa vời, còn nhà phát triển thì bỏ cuộc giữa chừng.

Tuy nhiên, hy vọng chưa tắt. Trong thời điểm mà các ông lớn ngành game đang loay hoay tìm đường thoát, Web3 vẫn còn cơ hội để làm lại từ đầu – nếu biết đặt trọng tâm vào trải nghiệm người chơi.
Cơ hội nằm ở việc xây dựng một hạ tầng riêng cho Web3 gaming – nơi vừa trao quyền cho nhà phát triển, vừa mở lối hợp tác xuyên chuỗi. Đã đến lúc ngành game cần quay về với gốc rễ: làm ra những trò chơi vui vẻ, sáng tạo, và đáng nhớ.
Nếu có thể mang lại một mô hình kinh tế minh bạch, thưởng công bằng cho người sáng tạo và mang lại quyền làm chủ cho game thủ, Web3 vẫn có thể trở thành cú hích giúp ngành game thoát khỏi khủng hoảng hiện tại.
Bởi cuối cùng, thứ giữ chân người chơi không phải là NFT hay token, mà chính là những trải nghiệm đáng giá trong từng giây phút họ cầm tay cầm hoặc chạm vào màn hình. Và đó là con đường duy nhất để Web3 gaming lấy lại niềm tin đã đánh mất.