Đạo luật mới được thông qua của chính phủ Mỹ buộc các công ty được nhận viện trợ từ Hoa Kỳ không được phép mở rộng sản xuất ở Trung Quốc.
Năm ngoái, nghị viện Mỹ đã thông qua đạo luật CHIPS, trong đó có một khoản quỹ trị giá 39 tỷ USD từ chính phủ liên bang, cấp cho các công ty phát triển và sản xuất chip bán dẫn để tăng tốc nghiên cứu sản phẩm, từ đó giành lại vị thế dẫn đầu ngành gia công bán dẫn của Mỹ, cũng như giảm sự phụ thuộc của Mỹ trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo quy định mới của bộ thương mại Mỹ, để được nhận tiền trợ cấp phục vụ mở rộng nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip bán dẫn, các nhà sản xuất phải đồng ý với một điều kiện: Không mở rộng quy mô gia công chip trên lãnh thổ Trung Quốc trong vòng 10 năm. Tuyên bố này được bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo đưa ra hôm thứ 3 vừa rồi, khi bộ thương mại nước này mở nhận đơn đăng ký nhận trợ cấp từ các tập đoàn chip lớn.

Theo bà Raimondo, quy định cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc là một trong những cách để chính quyền Mỹ tránh việc đạo luật CHIPS cũng như gói kích thích bị lạm dụng vào sai mục đích.
Bên cạnh việc “yêu cầu các đơn vị ký thỏa thuận giới hạn khả năng mở rộng quy mô gia công bán dẫn ở những quốc gia nước ngoài thuộc diện bị chính phủ Mỹ lo ngại”, các đơn vị nhận khoản tiền từ quỹ kích thích công nghệ của đạo luật CHIPS cũng không được “chủ động ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu hoặc bán bản quyền những công nghệ và sản phẩm chip bán dẫn nhạy cảm với các quốc gia thù địch.”
Yêu cầu thứ ba khi nhận tiền trợ cấp mở rộng phát triển ngành bán dẫn, là các công ty không được dùng khoản đó để tự mua ngược lại cổ phiếu tập đoàn mình. Bà Raimondo nói: “Khoản đầu tư này là để củng cố an ninh quốc gia, chứ không phải cho phép các công ty dùng tiền của chính phủ để tăng lợi nhuận cho họ.”
Quay lại với quỹ kích thích nghiên cứu phát triển chip bán dẫn thuộc phạm vi đạo luật CHIPS. Một vị quan chức bộ thương mại Mỹ cho biết, những đơn vị nhận trên 150 triệu USD tiền trợ cấp sẽ phải trả lại một khoản cho chính phủ Mỹ sau khi những nghiên cứu phát triển thu về khoản lợi nhuận vượt qua một mốc nhất định đã được hai bên nhất trí. Thêm nữa, khoản 39 tỷ USD trợ cấp có thể tăng lên thêm 75 tỷ USD nhờ đòn bẩy tài chính. Tổng trị giá quỹ kích thích phát triển chip của Mỹ có thể đạt ngưỡng hơn 100 tỷ USD.