Trịnh K.T (sn 2001) và Nguyễn L.N (sn 2000) đứng ra đại diện cho một dự án mang tên gọi HyperRun để tiến hành gọi vốn cộng đồng nhưng đã mau chóng biến mất khi dự án lên sàn.
Ăn theo cơn sốt move-to-earn của Stepn, khoảng tháng 5 vừa qua một dự án có tên gọi HyperRun đã ra đời với khá nhiều thông tin hấp dẫn. Dự án này mau chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng crypto Việt Nam bởi các nhà sáng lập đã hứa hẹn tặng suất private sale (một hình thức bán ra token ở giai đoạn sớm) cho một số nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng ở một số hội nhóm Telegram. Giá trị của mỗi slot ở giai đoạn này là 1BNB nhưng sau đó giảm xuống còn 150 USD.
Sau đó, theo ghi nhận của các thành viên MXH GameN.vn, HyperRun lại tiếp tục mở bán pre-sale trên cộng đồng PinkSale theo hình thức fair launch và trúng mánh với 1040 người mua bỏ ra tổng cộng 750BNB, gấp nhiều lần so với soft cap 100BNB mà nhóm dự án đề ra. Với trung bình giá 1BNB ở thời điểm ngày 22/5 là 300 USD, dự án HyperRun có thể đã bỏ túi khoảng 225.000 USD chưa tính các chi phí add thanh khoản, theo thành viên Eric Phan.
Có lẽ vì số tiền kiếm được quá lớn và quá dễ dàng mà chỉ sau hai ngày gọi vốn cộng đồng, dự án HyperRun đã quyết định ‘rug pull’, một thuật ngữ trong giới crypto ám chỉ hành động nhà phát triển ôm tiền bỏ trốn để mặc dự án ‘sống chết mặc bay’.
Cũng trong cùng ngày 22/5, hội nhóm TheCoinBarAnn của Việt Nam đã phải lên tiếng cảnh báo scam sau khi đội ngũ HyperRun quyết định giảm TGE từ 80% xuống còn 8%, tức là tỷ lệ chi trả token ở đợt phát hành lần đầu đã giảm 10 lần dù fair launch là hình thức mà tỷ lệ phân bổ (allocation) của dự án gần như chia sẻ hết cho cộng đồng ở TGE.
Đồng token của dự án HyperRun liên tục giảm giá trị và đến ngày 16/06, PinkSale buộc phải công khai thông tin cá nhân của hai người sáng lập dự án để bảo vệ cộng đồng. Và thật bất ngờ, trong video cũng như thông tin cá nhân được cung cấp, hai nhà sáng lập này đều đến từ Việt Nam.
Cụ thể, ở video đầu tiên, một nhân vật nữ có tên gọi là Trịnh K.T (sn 2001), trú tại Thừa Thiên Huế tự giới thiệu bản thân là CEO HyperRun. Còn ở video thứ hai, một thanh niên có tên gọi Nguyễn L.N (sn 2000) trú tại Quảng Ngãi tự giới thiệu là lập trình viên của HyperRun.
“Sau một cuộc điều tra mở rộng về dự án có tên gọi HyperRun, chúng tôi đi đến kết luận rằng những người đứng sau dự án này đã cố tình lừa dối nhà đầu tư và ăn cắp thanh khoản. Chúng tôi đã cố gắng liên hệ nhưng bất thành, do đó chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công khai danh tính cá nhân của họ”, trích thông báo từ PinkSale.
Những nhà đầu tư bị lừa đã tìm cách liên hệ với hai Gen Z nói trên nhưng Facebook và Instagram cá nhân của Trịnh K.T đã bị khóa còn Nguyễn L.N cũng không có thông tin liên hệ.
Theo thành viên Eric Phan, scam hay rug pull ở thời điểm downtrend của thị trường crypto không phải điều gì đó quá mới mẻ. Thậm chí, nhiều chủ dự án hoàn toàn có thể đứng sau và thuê người ra mặt để tránh rắc rối sau này. Vì vậy, các nhà đầu tư nên thận trọng trước khi xuống tiền với các dự án có dấu hiệu ăn xổi, làm ăn chộp giật hay đội ngũ có vấn đề, anh Eric Phan kết luận.