Bất chấp nhiều tranh cãi trong cộng đồng, Unichain – dự án Layer 2 của Uniswap – đang dẫn đầu làn sóng đổi mới bằng việc áp dụng công cụ Rollup-Boost dựa trên môi trường thực thi tin cậy (TEE), đánh dấu một bước tiến lớn về bảo mật và công bằng trong xử lý giao dịch.
Theo công bố mới nhất, Unichain đã trở thành mạng Layer 2 đầu tiên trên Ethereum áp dụng công nghệ trusted execution environment – viết tắt là TEE – để xử lý các khối giao dịch. Đây là bước tiến được hỗ trợ bởi Rollup-Boost, phần mềm trung gian do chính Uniswap Labs và nhóm Flashbots cùng phát triển.
Thay vì để các sequencer tập trung điều phối thứ tự giao dịch như hiện nay, Rollup-Boost đưa toàn bộ quy trình này vào một môi trường phần cứng biệt lập – chính là TEE – giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng và chống gian lận thứ tự giao dịch (MEV).
“Sequencing hiện tại phần lớn diễn ra ngoài chuỗi và không thể kiểm toán minh bạch. Việc chuyển vào TEE giúp đảm bảo mọi giao dịch được sắp xếp đúng theo mức phí ưu tiên, tránh tình trạng các bên khai thác MEV giành lợi thế không công bằng,” Uniswap Labs viết trong blog ngày 2/5.
Không chỉ dừng lại ở đó, Rollup-Boost còn là nền tảng cho Flashblocks – một công cụ mới của Flashbots – cho phép chia nhỏ mỗi khối Unichain thành bốn phần, mỗi phần chỉ 200 mili-giây, giúp tăng tốc độ xử lý đáng kể.
TEE hoạt động như một vùng an toàn trong bộ vi xử lý, nơi các dữ liệu và đoạn mã nhạy cảm được bảo vệ khỏi các can thiệp bên ngoài. Công nghệ này vốn được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực bảo mật ngoài ngành crypto, và giờ đây đang được mang vào thế giới blockchain để tăng độ tin cậy cho quá trình xây dựng khối.
Uniswap cũng tiết lộ rằng tất cả giao dịch trên Unichain sẽ được đưa vào mempool mã hóa, ưu tiên dựa theo phí giao dịch và giảm thiểu tối đa khả năng trục lợi từ MEV. Trong tương lai, hệ thống sẽ bổ sung chứng thực thực thi (execution attestations) để bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra khối có được xây đúng như dự kiến hay không.
Tranh cãi xoay quanh quyền sở hữu và lợi ích DAO
Dù Unichain đang tạo dấu ấn kỹ thuật rõ rệt, không phải mọi thành viên cộng đồng đều ủng hộ. Một số chỉ trích rằng dự án được xây dựng trong “bóng tối” suốt năm 2024, không thông qua tiến trình DAO và thiếu tính minh bạch.
Căng thẳng gia tăng sau khi Quỹ Uniswap đề xuất chương trình chi tiêu trị giá 165,5 triệu USD để thúc đẩy việc áp dụng Unichain và Uniswap v4, khiến nhiều người đặt câu hỏi về lợi ích thật sự của cộng đồng DAO.
Tài khoản @Tiza4ThePeople viết trên X: “Unichain không thuộc DAO. Nếu có lãi, DAO cũng chỉ nhận 65%. Vậy tại sao lại dùng tới 45 triệu đô UNI để kích thích người dùng?”
Tới nay, nhà sáng lập Hayden Adams vẫn chưa lên tiếng về cơ chế fee switch – một tính năng hứa hẹn chia sẻ phí giao dịch cho holder UNI nhưng vẫn chưa được triển khai, khiến nhiều người thất vọng.
Dù vậy, theo kế hoạch, 65% doanh thu ròng từ Unichain sẽ được phân phối cho các validator và người staking thông qua mạng lưới xác thực UVN – một hạ tầng mà Uniswap Labs kỳ vọng sẽ giúp củng cố giá trị bền vững cho hệ sinh thái UNI trong dài hạn.