Trong vòng chưa đầy một ngày, OM – token gốc của dự án Mantra – đã bốc hơi hơn 90% giá trị, kéo theo hơn 5 tỷ USD vốn hóa thị trường “bốc hơi”. Vụ việc khiến cộng đồng crypto toàn cầu chấn động, đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn về tính minh bạch, an toàn và sự kiểm soát trong thị trường tài sản số.
“Từ mức giá hơn 6 USD, OM đã tụt xuống chỉ còn khoảng 0,5 USD chỉ trong vài giờ, mở ra một chuỗi sự kiện rối ren và hàng loạt nghi vấn chưa có lời giải”.
Mục lục
Diễn biến sụp đổ của OM trong 24 giờ
Ngày 13/4 (16:00 – 18:00 UTC), OM vẫn giao dịch ổn định quanh mức 6,14 USD. Tuy nhiên, đến 20:00 UTC, token này bất ngờ giảm mạnh xuống 0,52 USD – mất hơn 90% giá trị chỉ trong 4 giờ. Cộng đồng mạng nhanh chóng dấy lên các giả thiết như “úp bô”, xả hàng nội bộ, bị thanh lý ép buộc hoặc thao túng giá sàn.
Một số hình ảnh được lan truyền trên mạng cho rằng kênh Telegram chính thức của Mantra đã bị xóa – nhưng sau đó bị bác bỏ vì đó chỉ là kênh giả mạo. Đại diện Mantra cũng lên tiếng cho rằng vụ việc bắt nguồn từ “việc các sàn giao dịch tập trung thực hiện đóng lệnh bắt buộc mà không báo trước”.
John Patrick Mullin – CEO của Mantra – khẳng định trên X rằng “sự kiện này xảy ra trong thời điểm thanh khoản thấp (tối Chủ nhật theo giờ UTC) khiến mức độ sụt giảm trở nên trầm trọng hơn”.

Nghi vấn xoay quanh các ví giao dịch
Dữ liệu từ Lookonchain cho thấy có ít nhất 17 ví đã nạp 43,6 triệu OM vào Binance và OKX trước khi sụp đổ xảy ra, tương đương 227 triệu USD.
Trong số đó, hai ví bị gắn nhãn là của Laser Digital – một nhà đầu tư chiến lược của Mantra – theo nền tảng dữ liệu Arkham Intelligence. Tuy nhiên, Laser Digital đã lập tức phủ nhận thông tin này, khẳng định các ví đó không thuộc quyền sở hữu của mình. Phía Arkham cũng chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Một ví khác, được cho là liên quan đến Shane Shin (đồng sáng lập Shorooq Partners), cũng được phát hiện nhận 2 triệu OM chỉ vài giờ trước khi sự kiện xảy ra. Tuy nhiên, tất cả những nhãn gắn từ Arkham đều chỉ mang tính dự đoán AI, chưa có xác minh chính thức.
Các sàn giao dịch lên tiếng
Binance thừa nhận có biến động mạnh liên quan đến OM và cho rằng nguyên nhân chính là “các đợt thanh lý chéo giữa các sàn giao dịch”.
CEO OKX – ông Star Xu – tuyên bố rằng “đây là một vụ bê bối nghiêm trọng của ngành crypto”, đồng thời cam kết công bố toàn bộ dữ liệu liên quan đến tokenomics và giao dịch OM.
OKX còn phát hiện sự thay đổi lớn trong mô hình token của Mantra kể từ tháng 10/2024, cùng các ví nghi thực hiện nạp – rút quy mô lớn từ tháng 3/2025.
It’s a big scandal to the whole crypto industry. All of the onchain unlock and deposit data is public, all major exchanges’ collateral and liquidation data can be investigated. OKX will make all of the reports ready! https://t.co/YYnb1ByUGL
— Star (@star_okx) April 14, 2025
Cộng đồng và truyền thông phản ứng ra sao?
Một bài viết từ Onchain Bureau trên X (sau đó đã xóa) cho rằng một mô hình hợp đồng cho vay với FalconX có thể là nguyên nhân gây ra vụ sụp đổ. Tuy nhiên, cả Mullin và FalconX đều phủ nhận thông tin này, cho rằng FalconX chỉ là đối tác giao dịch, không phải market maker của Mantra.
Trong khi đó, nhà phân tích nổi tiếng ZachXBT lại đưa ra cáo buộc rằng có những cá nhân liên quan đến dự án Reef Finance đã cố gắng vay OM với khối lượng lớn trong những ngày trước sự kiện.
The transfer has been made from one wallet to another wallet, not to an exchange. No tokens have been sold. The community can check the wallet address and all its transactions to understand the situation fully. Here is the wallet address for full transparency:…
— Shane Shin شين شن (@KeunShane) April 14, 2025
Phản hồi chính thức từ Mantra
Mullin phủ nhận mọi cáo buộc về việc bán tháo nội bộ hay nắm giữ đến 90% tổng nguồn cung. Ông cho biết tất cả ví của dự án đã được công khai minh bạch và các token của đội ngũ vẫn đang bị khóa.
“Chúng tôi đang nghiên cứu kế hoạch mua lại và đốt token OM nhằm lấy lại niềm tin cộng đồng” – Mullin khẳng định.
Ngày 16/4, Mantra đã công bố một bản “báo cáo sự kiện” nhưng không có thêm thông tin mới về nguyên nhân gốc rễ. Đội ngũ cũng tiết lộ đang hợp tác với một nhà phân tích blockchain (giấu tên) để điều tra toàn bộ vụ việc.
Tạm kết
Vụ sụp đổ của OM khiến thị trường crypto thêm một lần nữa đặt câu hỏi về tính minh bạch, quyền lực của các sàn giao dịch tập trung và sự yếu kém trong giám sát rủi ro. Trong khi nhiều nghi vấn vẫn còn bỏ ngỏ, điều chắc chắn là niềm tin với dự án đã bị tổn hại nghiêm trọng.
“Niềm tin mất đi khó có thể phục hồi, đặc biệt trong một ngành mà mọi biến động đều có thể kéo theo thiệt hại hàng tỷ USD chỉ trong vài giờ đồng hồ”.