Vốn hóa đồng Terra Classic có lúc đứng vị trí 24 trên bảng xếp hạng các dự án tiền số lớn nhất thế giới.
Giá đồng tiền mã hóa Terra Classic (LUNC) bật tăng mạnh trong 2 tuần qua. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, đồng LUNC lập đỉnh mới ở mốc 0,0005938 USD vào tối ngày 8/9, trước khi giảm nhẹ 3% vào chiều 9/9. Đợt tăng giá này đẩy vốn hóa của Terra Classic chạm mức 3,62 tỷ USD.
Khối lượng giao dịch 24h của đồng tiền số này tăng hơn 53%, dao động quanh 3,8 tỷ USD trong ngày 8/9. So với mức giá đáy, đồng LUNC đã tăng trưởng hơn 10 lần trong khoảng 3 tháng.
Giá LUNC tăng trong bối cảnh ảm đạm của thị trường tiền số, nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vì cú sụp đổ trước đó của hệ sinh thái Terra. Sự cố của stablecoin (tiền ổn định) UST và token LUNA gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nhà đầu tư khắp thế giới. Nó góp phần vào sự sụp đổ của quỹ Three Arrows Capital, gây thanh lý tài sản. Đây cũng là nguyên nhân kéo theo khoản thua lỗ lớn, mất thanh khoản ở Voyager Digital, Celsius Network.
Trong buổi phỏng vấn với Coinage, được thực hiện tại văn phòng của Terra ở Singapore, Do Kwon giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến cú sập lịch sử. Đồng sáng lập Terra nhận trách nhiệm về mình khi sự cố xảy ra.
“Nếu có lỗ hổng trong thiết kế khiến kẻ bán khống trục lợi, đó là lỗi của tôi. Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm ở đây”, Kwon chia sẻ.
Trước nghi vấn Terra vốn là một kế hoạch lừa đảo theo mô hình ponzi (đa cấp) khổng lồ, Do Kwon đã phủ nhận. Ông cho biết bản thân thuộc nhóm nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề nhất bởi sự cố LUNA. Do Kwon nói rằng chính ông cũng không thể xác định toàn bộ số tiền thiệt hại của mình. “Nó xuống vô hạn”, Kwon mô tả lại.
“Hãy đặt mình vào vị trí sáng lập của dự án đang phát triển với giá trị gần 100 tỷ USD. Sau khi làm được nhiều thứ, bạn sẽ không nghĩ đến việc thất bại. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc LUNA sẽ sụp đổ. Chuyện đó quá phi lý”, Do Kwon nói thêm.