Dự án ‘hồi sinh’ Flappy Bird đang bị nghi ngờ chỉ là chiêu trò để lôi kéo người hâm mộ đến với tiền điện tử.
Theo AppleInsider, sau hơn một thập kỷ biến mất khỏi thế giới trò chơi, mới đây, thông tin về sự trở lại của Flappy Bird đã khiến cộng đồng người hâm mộ dậy sóng. Tuy nhiên, niềm vui này nhanh chóng bị dập tắt bởi những nghi ngờ về động cơ thực sự đằng sau sự kiện này.
Các chuyên gia an ninh mạng đã phát hiện ra những trang ẩn trên trang web của phiên bản Flappy Bird mới, chứa đầy các tham chiếu đến Web 3, giao dịch vi mô và tiền điện tử Solana. Thậm chí, một phiên bản chơi thử của trò chơi còn xuất hiện bảng xếp hạng với các tên người dùng liên quan đến tiền điện tử và đề cập đến một token mang tên $FLAP.
Điều này khiến nhiều người tin rằng sự trở lại của Flappy Bird không đơn thuần là để thỏa mãn nỗi nhớ của người hâm mộ, mà là một chiêu trò để quảng bá và lôi kéo người dùng vào thị trường tiền điện tử, thậm chí có thể là một kế hoạch Ponzi trá hình.
Năm 2014, cha đẻ Nguyễn Hà Đông của Flappy Bird đã gỡ bỏ trò chơi khỏi các cửa hàng ứng dụng vì lo ngại khả năng gây nghiện quá mức. Tuy nhiên, nhãn hiệu Flappy Bird sau đó đã bị Gametech Holdings mua lại và bán cho The Flappy Bird Foundation, một công ty do Michael Roberts điều hành, ông là người đứng đầu studio 1208 Productions, một công ty tự nhận là ‘người tiên phong trong không gian Web 3’.
Những thông tin này càng củng cố thêm nghi ngờ về động cơ thực sự đằng sau sự trở lại của Flappy Bird. Thay vì một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc với tuổi thơ, người chơi có thể sẽ phải đối mặt với một thế giới tiền điện tử đầy rủi ro và phức tạp.