Pavel Durov thừa nhận Telegram không hoàn hảo nhưng những cáo buộc của nhà chức trách Pháp lên cá nhân ông bị cho là sai lầm.
Trên tài khoản thông báo chính thức ở Telegram, Pavel Durov, CEO của ứng dụng nhắn tin lần đầu đưa ra phát ngôn kể từ thời điểm bị chính phủ Pháp bắt giữ. Ngoài việc cập nhật tình hình, vị này cũng đổ lỗi cho nhà chức trách vì hành động “sai trái”, đồng thời nêu ra nhiều điều bất hợp lý trong quá trình làm việc.
Cụ thể, Pavel Durov cho rằng Pháp có quyền yêu cầu hỗ trợ cho các vấn đề người dùng bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc qua văn phòng đại diện chính thức tại EU. “Là một công dân Pháp, tôi thường xuyên đến đại sứ quán nước này ở Dubai. Trước đó, khi được yêu cầu, tôi đã đích thân giúp họ thiết lập đường dây nóng để giải quyết các mối đe dọa khủng bố”, CEO Telegram cho biết.
Mặt khác, quy trình và các điều luật được đưa ra để bắt giữ cũng bị Pavel Durov phản đối. Tỷ phú gốc Nga cho rằng nếu không hài lòng với dịch vụ Internet, bước đi đúng đắn là thực hiện hành động pháp lý chống lại ứng dụng đó, thay vì truy cứu trách nhiệm cá nhân.
“Sử dụng luật từ thời tiền smartphone để buộc tội CEO về hành vi của bên thứ 3 là cách tiếp cận sai lầm. Thiết lập mức cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật là không dễ dàng”, Pavel Durov nêu quan điểm.
Người sáng lập của dự án cũng thừa nhận app nhắn tin không hoàn hảo. Tuy nhiên, ông không đồng tình với nhận định của nhà chức trách rằng đây là “thiên đường hỗn loạn” khi đội ngũ đã cố gỡ bỏ hàng triệu bài đăng và các kênh có hại mỗi ngày.
Pavel Durov bị chính phủ Pháp bắt giữ hồi cuối tháng trước trong vụ điều tra về hình ảnh lạm dụng trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch lừa đảo trên Telegram. Ông bị cáo buộc dung túng cho hoạt động tội phạm, nhưng được tại ngoại sau đó nhờ 5 triệu euro tiền bảo lãnh. Vị này được tại ngoại với điều kiện phải trình diện ở đồn cảnh sát hai lần một tuần và không được rời khỏi Pháp.
Các cáo buộc liên quan đến Durov gồm tội đồng lõa trong phát tán ảnh khiêm âm trẻ em và một loạt vi phạm khác trên app nhắn tin. Vụ bắt giữ cũng làm dấy lên làn sóng chỉ trích nhắm đến Telegram, nền tảng phổ biến với hơn một tỷ người dùng .
Các công ty công nghệ cũng dần chú ý đến trách nhiệm pháp lý các CEO có thể phải đối mặt. Năm nay, Meta đã đấu tranh thành công để loại bỏ Zuckerberg khỏi danh sách bị cáo có tên trong vụ kiện do tổng chưởng lý New Mexico khởi kiện, chống lại tập đoàn vì những sai sót trong việc bảo vệ trẻ em.
Ở Trung Quốc, Nga, các công ty công nghệ Mỹ đôi khi còn cho nhân viên của mình nghỉ việc để tránh bị bắt giữ. Họ lo ngại nhân viên sẽ bị lợi dụng làm đòn bẩy, buộc các công ty thực hiện những yêu cầu chính trị như xóa nội dung bất lợi cho chính phủ.