Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) bắt đầu có tác động mạnh tới ngành game khi Steam buộc phải tăng giá bán game ở nhiều khu vực trong đó có Việt Nam.
Với sự tăng giá của đồng USD do những lần điều chỉnh tăng lãi suất liên tục của Fed, game thủ thế giới đang chứng kiến chuỗi ngày tăng giá không hồi kết. Nếu như trước đây chỉ những ai chơi PS5 phải mua máy giá cao hơn, trả thêm tiền khi mua đồ ảo trên iOS thì giờ đây đến lượt game thủ PC chịu ảnh hưởng của lạm phát khi Steam tăng giá game.
Hiện tại Steam hỗ trợ 39 loại tiền tệ khác nhau, và để giúp các nhà phát hành game có thể dễ dàng định ra mức giá phù hợp cho trò chơi của mình, Valve đưa ra một bảng giá đề nghị (không bắt buộc các nhà phát hành phải tuân theo) nhằm trợ giá cho các nước đang phát triển.
Trong bảng giá mới cập nhật này, một tựa game 60 USD được khuyến khích bán 480.000đ sau khi đã trợ giá, nhưng Valve vừa cập nhật một bảng giá mới và thay đổi mức giá này thành 705.000đ, tức là tăng khoảng 47%.
Dẫu vậy, Việt Nam không phải là quốc gia có mức tăng khủng nhất. Game thủ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ hẳn đang kêu trời khi mức giá mới của họ tăng lần lượt là 485% và 454%, tức là gần gấp 5 lần giá ban đầu.
Lý do của điều này một phần là vì lạm phát, nhưng một lý do quan trọng hơn có lẽ là do có quá nhiều game thủ nước ngoài “du học” sang hai quốc gia này – thuật ngữ chỉ việc chuyển vùng tài khoản Steam để được mua game giá rẻ. Điều này gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của cả nhà phát hành game lẫn Valve nên việc Steam tăng giá game là dễ hiểu.
Tuy nhiên như đã nhắc đến bên trên, bảng giá mới này chỉ là mức giá khuyến cáo, và các hãng hoàn toàn không cần phải tuân thủ. Một ví dụ quen thuộc với chúng ta là Square Enix: nhà phát hành này chưa từng có giá ưu đãi cho game thủ Việt, mà đôi khi còn bán đắt hơn cả giá dành cho game thủ Mỹ và châu Âu. Có thể trong thời gian tới, game thủ PC sẽ phải trả nhiều hơn một chút khi Steam tăng giá game.