Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc đã công bố bộ quy tắc mới cho các NFT được sản xuất hàng loạt có thể giao dịch như tiền mã hóa thông thường.
Hãng tin địa phương Yonhap đưa tin Hàn Quốc vừa công bố bộ quy tắc mới trong cách phân loại các NFT vào ngày 10/06.
Dựa trên các quy định mới, Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) sẽ áp dụng các biện pháp quản lý đối với một số NFT tương tự như tiền mã hoá thông thường trong trường hợp các NFT này mất đi tính năng đặc trưng làm chúng khác biệt so với các loại token khác.
Theo đó, NFT có thể được coi là tiền mã hoá nếu chúng được sản xuất hàng loạt, dùng để trao đổi hay thanh toán hàng hoá và dịch vụ.
Ngược lại, một token được xem là NFT ckhi token này được phát hành giới hạn và chủ yếu được mua bán như một món đồ sưu tầm như video hay hình ảnh. Bởi vì tính chất đặc biệt này, số lượng người sở hữu NFT cũng sẽ có giới hạn nhất định.
Ví dụ với một bộ sưu tập với khoảng một triệu NFT được phát hành và được giao dịch, sử dụng như các biện pháp thanh toán thì sẽ được coi là một loại token thông thường trên thị trường.
Tuy nhiên, FSC cũng cho biết họ sẽ phân biệt dựa trên đánh giá từng trường hợp cụ thể và không có một tiêu chuẩn tuyệt đối nào được sử dụng mà tập trung vào bản chất thực sự của chúng hơn là tên gọi hay công nghệ, và xem xét toàn diện tất cả các yếu tố liên quan bao gồm số lượng NFT phát hành, cấu trúc phân phối, quảng cáo và bản chất của dự án để có thể giải thích NFT như là tiền mã hoá để áp dụng các biện pháp quản lý.
Quy tắc mới của FSC cũng đề xuất rằng một NFT có thể được phân loại là một chứng khoán tài chính, nếu nó có các đặc điểm tương tự được nêu trong Đạo luật Thị trường Vốn của Hàn Quốc.
Các quy tắc này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm phát triển một khuôn khổ pháp lý cho thị trường tiền mã hoá, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như thao túng thị trường và hành vi gian lận.
South Korea to treat certain NFTs as regular crypto, new rulebook says: report https://t.co/H5dWBxy25N
— The Block (@TheBlock__) June 10, 2024
Bộ quy tắc này được đưa ra trước khi khung pháp lý đầu tiên của Hàn Quốc về tiền mã hoá có hiệu lực từ ngày 19/07. Khung pháp lý này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hoá tại Hàn Quốc phải dự trữ hơn 80% số tiền gửi trong kho bạc để bảo vệ người dùng và tham gia vào các chương trình bảo hiểm để bồi thường người dùng trong trường hợp xảy ra sự cố.
Có thể thấy Hàn Quốc đang chú trọng nâng cao tính an toàn cho người dùng trong thị trường tiền mã hóa, đặc biệt là khi các vụ rửa tiền qua NFT đang trở nên phổ biến do thiếu vắng quy định cụ thể cho lĩnh vực này.
Hàn Quốc là thị trường cởi mở với tiền mã hóa, ví dụ như đồng Won trở thành đồng fiat được giao dịch nhiều nhất trong crypto trong quý I/2024 và quỹ hưu trí tại Hàn Quốc cũng đã bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực crypto.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đã triển khai các biện pháp để đối phó với các rủi ro khi yêu cầu quan chức công khai tài sản tiền mã hóa từ năm 2024 và chuẩn bị ban hành quy định mới để kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết token, nhằm tránh lặp lại sự cố sụp đổ của stablecoin thuật toán LUNA-UST năm 2022.