Chiêu lừa đảo đổi iPhone giả lấy iPhone thật này đã được thực hiện 16.000 lần trong suốt 10 năm, đánh cắp trót lọt số hàng hóa trị giá hơn 12 triệu USD.
Hình thức lừa đảo này đã xuất hiện không ít lần trước đây. Nhưng quy mô vụ việc vừa xảy ra được đánh giá lớn đến mức không khác gì một ngành công nghiệp. Trong đó, 5 người đã bị buộc tội gian lận vì liên quan đến chiêu trò trả lại iPhone giả để lấy máy thật.
Cụ thể, nhóm lừa đảo đã “trả lại” hàng giả trông như thật nhưng không hoạt động cho Apple Store và yêu cầu hãng đổi máy mới. Sau đó, các cửa hàng sẽ thay thế những hàng nhái, không có giá trị bằng iPhone và iPad chính hãng. Cuối cùng, số hàng này sẽ được chuyển ra nước ngoài. Theo 9to5mac, chiêu trò này đã được thực hiện 16.000 lần trong suốt 10 năm.
Thủ phạm là 5 công dân Trung Quốc sống ở khu vực Los Angeles, bị bắt vào ngày 30/5. Yang Song, Junwei Jiang, Zhengxuan Hu, Yushan Lin và Shuyi Xing sẽ bị xét xử với tội danh trộm cắp danh tính nghiêm trọng, âm mưu buôn bán hàng giả và âm mưu thực hiện hành vi
Các bị cáo bị buộc tội lợi dụng chính sách dịch vụ khách hàng của Apple để đánh cắp số hàng hóa trị giá hơn 12 triệu USD.
“Các hãng như Apple không nên trở thành nạn nhân và bị lừa gạt chỉ vì muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vụ việc này cho thấy luật pháp cần phải có hành động quyết đoán để phát hiện và truy tố những kẻ phạm tội lừa đảo”, công tố viên Martin Estrada cho biết.
Theo trang tin, thiệt hại hãng phải chịu trong vụ án này ít nhất là 12,3 triệu USD. Số lượng máy giả được trả lại bao gồm hàng nghìn chiếc iPhone, iPad và các thiết bị khác của Apple.
Theo bản cáo trạng, hành vi này kéo dài từ tháng 2/2014-3/2024, với sự phối hợp với các nhóm tội phạm ở Trung Quốc, đồng thời là nguồn cung máy giả.
Các sản phẩm Apple giả do nhóm lừa đảo này mang đến sẽ có số ID khớp với các sản phẩm hiện có, thuộc sở hữu của người thật ở Mỹ và vẫn còn bảo hành. 9to5mac cho rằng chiêu trò này đã vô tình khiến nhiều khách hàng mất bảo hành sửa chữa chính hãng, vì hệ thống của Apple đã nhận xử lý các máy giả có cùng số ID.
Để che giấu dấu vết, những kẻ đồng phạm sẽ yêu cầu sửa chữa máy tại nhiều cửa hàng App Store trên khắp California, ghé thăm đến 10 cửa hàng chỉ trong một ngày. Họ cố tình sử dụng địa chỉ và bí danh giả, thuê hộp nhận thư bưu điện và các chiêu trò khác khác. Hơn 10 Apple Store khác nhau ở nhiều khu vực trong miền nam California đã trở thành nạn nhân, như Beverly Hills, Northridge và Rancho Cucamonga…
Vụ án hiện đã được đưa ra xét xử trước tòa. Nếu bị kết án, mỗi bị cáo có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù cho mỗi tội âm mưu phạm tội lừa đảo, tối đa 2 năm tù cho tội trộm cắp danh tính. Mỗi người cũng có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù vì tội âm mưu buôn bán hàng giả.
Cách đây 2 tháng, một vụ án tương tự cũng được đưa ra tòa án. Cụ thể, 2 người đàn ông ngụ ở bang Maryland đã gửi hàng nghìn chiếc iPhone giả cho Táo khuyết để sửa chữa. Apple sau đó sẽ thay những chiếc máy hàng giả này bằng iPhone chính hãng.
Trong vòng 2,5 năm, bộ đôi này đã gửi hơn 5.000 máy, gây thiệt hại hơn 3 triệu USD cho Apple. Để tránh bị phát hiện, cả hai đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau. Họ còn giả mạo số sê-ri để đảm bảo trò lừa diễn ra trót lọt. Tuy nhiên, bộ đôi tội phạm đã bị bắt vào ngày 5/12/2019, bị kết tội lừa đảo Apple, đi kèm với án tù lên đến 20 năm.
Chiêu lừa đảo này thực hiện trót lọt là nhờ lỗ hổng trong chính sách bảo hành Apple Care. Cụ thể, Táo khuyết có thể bảo hành bằng cách đổi lại máy mới, trong trường hợp máy cũ hỏng hóc, gặp lỗi kỹ thuật, đồng thời đã được kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu về chức năng của hãng.