Tài tử điện ảnh Hollywood Bruce Willis mới đây đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng ông bán vĩnh viễn khuôn mặt mình cho công nghệ deepfake.
Đầu năm nay, diễn viên Bruce Willis đã phải giải nghệ vì chứng bất lực ngôn ngữ, biến chứng của thoái hóa não. Đến cuối tháng 9, Telegraph cho biết Bruce Willis đã ký hợp đồng, giao quyền sử dụng hình ảnh của mình cho công ty công nghệ deepfake có tên Deepcake của Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với việc công ty có quyền tạo ra phiên bản hình ảnh kỹ thuật số của ngôi sao, sử dụng trong các bộ phim điện ảnh, quảng cáo hay các chương trình TV…
Tuy nhiên, mới đây, nam tài tử đã đính chính thông tin này, khẳng định chưa từng bán bản quyền hình ảnh của mình. Chia sẻ với BBC, đại diện của Bruce Willis cho biết ông không hề hợp tác hay có bất kỳ thỏa thuận nào với Deepcake.
Về phía Deepcake, công ty cũng cho biết nam diễn viên không hề ký giao quyền sử dụng hình ảnh cho họ. Quảng cáo sử dụng deepfake để mô phỏng Willis trước đó là vì họ đã làm việc thông qua người đại diện của ông với công ty quản lý Creative Artists Agency (CAA).
Cuối năm 2021, công nghệ của Deepcake được sử dụng để ghép mặt Bruce Willis vào cơ thể diễn viên đóng thế, trong video quảng cáo cho hãng viễn thông Megafon của Nga.
Theo The Hollywood Reporter, Deepcake đã “vẽ” một “Bruce Willis phiên bản kỹ thuật số” cho quảng cáo vào năm 2021. Nhưng quyết định có sử dụng “bản vẽ” này trong các sản phẩm điện ảnh sắp tới hay không là do ông.
Engadget cho biết các kỹ sư của Deepcake đã tạo ra bản vẽ kỹ thuật số của nam diễn viên từ cảnh phim trong bộ phim Die Hard và Fifth Element, khi ông còn ở độ tuổi 40. Với công nghệ AI, công ty này sau đó đã ghép Bruce Willis vào khuôn mặt của diễn viên đóng thế và xuất hiện chỉ trong vài giây ngắn ngủi.
Nói với BBC, Deepcake cho biết hãng đã hợp tác với nhóm của Bruce Willis trong quảng cáo cho Megafon, một công ty viễn thông của Nga. “Ông ấy đã cho phép tôi và cung cấp nhiều tài nguyên để tạo ra ‘Bruce Willis’ phiên bản số”, công ty cho biết.
Deepcake còn cho biết đang sở hữu một thư viện với rất nhiều nhân vật ảo mô phỏng người nổi tiếng, diễn viên… tương tự.
“Tôi thích bản sao chính xác đến từng chi tiết này của mình. Đây là cơ hội tốt để tôi được quay trở về quá khứ”, Deepcake trích lời Willis trên website.
Với những diễn viên không còn khả năng đóng phim, deepfake có thể là cơ hội để họ tiếp tục xuất hiện trong tương lai.
Song, sự mập mờ trong quyền sử dụng hình ảnh cho công nghệ deepfake đã làm dấy lên nhiều câu hỏi, BBC nhận định. Việc sử dụng diễn viên đóng thế bằng AI là một xu hướng mới nổi trong thời gian gần đây. James Earl Jones, diễn viên từng đóng Darth Vader, trong Star Wars, đã giải nghệ nhưng giọng nói của ông trong bộ phim vẫn liên tục xuất hiện.
Công ty AI Respeecher đã dùng các dữ liệu lưu trữ và thuật toán để làm giả giọng nói của ông trong vai diễn Darth Vader huyền thoại. Nhờ đó, trong video spin-off về nhân vật Obi-Wan Kenobi trong Star Wars, Disney đã dùng công nghệ của Respeecher để mô phỏng giọng của ông và thậm chí còn làm cho nó nghe trẻ hơn.
Tuy nhiên, deepfake là một lĩnh vực công nghệ hoàn toàn mới và vẫn chưa có quy định cụ thể. Do đó, các nhóm lừa đảo đã lợi dụng điều này để tung tin giả, mạo danh người khác. Công nghệ này còn được dùng để làm các đoạn phim khiêu dâm giả mà không có sự đồng ý của nhân vật.