Facebook, TikTok và tất cả các công ty có chứa dữ liệu người Việt đều phải lưu trữ các dữ liệu đó ở trong nước, theo Nghị định số 53/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10.
Như đã biết, Luật An ninh mạng ban hành năm 2018 đã quy định những điều hết sức chặt chẽ về việc tuân thủ lưu trữ dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Việt. Tuy nhiên, các ông lớn như Facebook hay TikTok có lý do để từ chối tuân thủ các quy định của pháp luật do chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn đi kèm.
Đến ngày 15/08 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Nghị định này đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết các điểm a, b, c, d, đ, g, i, k, l khoản 1 Điều 5, khoản 4 Điều 10, khoản 5 Điều 12, khoản 1 Điều 23, khoản 7 Điều 24, khoản 2, 4 Điều 26, khoản 5 Điều 36 Luật An ninh mạng, gồm bảy nội dung, trong đó có điều số (6) về Việc lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 26.
Cụ thể, chương V của Nghị định này có các quy định về việc Lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đó, các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm:
a) Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; b) Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: Tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu; c) Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
Cũng theo quy định tại Điều 26 của chương V này, các công ty nước ngoài như Meta (công ty mẹ của Facebook), ByteDance (công ty mẹ của TikTok) có thời hạn 12 tháng phải hoàn thành việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định.
Như vậy, với các quy định chặt chẽ của pháp luật, việc các công ty xuyên biên giới phải tuân thủ các quy định của Việt Nam sẽ là việc một sớm một chiều, chấm dứt cảnh các nội dung độc hại tràn lan hay dữ liệu của người Việt bị sử dụng một cách bừa bãi bởi các công ty nước ngoài như Meta hay ByteDance.
Đọc toàn văn Nghị định 53 tại đây.