Horizon Worlds của Facebook đang ở rất gần và sẽ nhập cuộc với sự cạnh tranh đến từ vô số các game thế giới ảo rộng lớn đã có mặt trên thị trường.
Khi CEO Mark Zuckerberg nhắc đến khái niệm vũ trụ ảo ‘metaverse’ hồi cuối tháng 6, thế giới đã không ngừng suy đoán về tham vọng sắp tới của Facebook. Với thế giới ảo Horizon Worlds vừa tiến hành đổi tên và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, Facebook dường như muốn tiến một bước xa hơn trong việc xây dựng một mạng xã hội thế hệ mới dành cho hàng tỷ người dùng trên hành tinh này.
Nhưng trước khi Mark Zuckerberg đưa ra khái niệm metaverse, có không ít những dự án game bom tấn có mặt trên thị trường đã hoàn toàn đạt đến tầm vóc tạo ra thế giới ảo rộng lớn. Chỉ có điều, không phải dự án nào khi đó cũng tự nhận mình là metaverse.
Decentraland
Ra mắt từ năm 2017, Decentraland có lẽ là dự án sớm nhất gắn với khái niệm metaverse, mặc dù đội ngũ phát triển không thường xuyên dùng đến định nghĩa này cho đến khi Mark Zuckerberg đề cập đến.
Dù vậy, Decentraland thực sự là một thế giới ảo rộng lớn nơi mỗi người chơi đều có thể thực hiện mọi hoạt động thường ngày trên các vùng đất được chia nhỏ thành các khu riêng biệt với khu mua sắm, khu vui chơi giải trí.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ Decentraland là một dự án game blockchain với các hoạt động mua bán giao dịch trong trò chơi sẽ tiêu tốn đồng tiền ảo Mana. Với trữ lượng 2,1 tỷ đồng, đồng Mana hiện có giá trị 0,8 USD và vốn hóa đạt 1,4 tỷ USD.
Fortnite
Fortnite là game online bắn súng sinh tồn đa nền tảng nổi tiếng của Epic Games. Trò chơi này vẫn đang trong quá trình xây dựng metaverse mà hiện vẫn chưa rõ sẽ thành hình như thế nào. Nhưng Epic tỏ ra rất quyết tâm khi vừa đóng cửa dự án mạng xã hội video Houseparty mua lại giá 35 triệu USD để tập trung xây dựng metaverse.
Cơ sở để Epic đặt niềm tin vào Fortnite là bởi trò chơi này vẫn có hơn 350 triệu người chơi hàng tháng trên toàn thế giới. Đây cũng là con át chủ bài của Epic trong cuộc chiến chống độc quyền với Apple và Google. Chưa kể, Epic còn được chống lưng mạnh mẽ bởi gã khổng lồ Internet Tencent.
Nếu nhập cuộc thành công, Fortnite sẽ là game online lớn nhất thế giới gia nhập cuộc chơi ‘vũ trụ ảo’ metaverse.
Minecraft
Dù không nhắc nhiều đến thuật ngữ metaverse, Minecraft vẫn là một game xây dựng thế giới ảo rộng lớn nhất từng có. Người chơi có thể dành nhiều năm trời để tái tạo một kỳ quan thế giới thật đưa vào trong Minecraft hoặc xây dựng vô số những trò chơi khác nhau để giải trí với bạn bè.
Minecraft đến nay có khoảng 140 triệu người chơi hàng tháng và với việc thuộc sở hữu của gã khổng lồ Microsoft, chẳng có lý do gì để đội ngũ phát triển bỏ qua thời cơ vàng metaverse đang ở rất gần.
Chỉ có điều, cũng như các dự án xuất phát điểm là một video game thuần túy, Minecraft hiện vẫn chưa dùng nhiều đến thuật ngữ metaverse mà thay vào đó thường sử dụng khái niệm sandbox, tức ám chỉ thế giới mở hoặc môi trường mở nơi người chơi được thỏa sức sáng tạo.
Roblox
Roblox là một nền tảng game cho phép người chơi tạo ra những trò chơi bên trong nó. Nền tảng này ra mắt từ năm 2006 và hiện đang thu hút 43 triệu người chơi hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới.
Việc tạo ra bất cứ thứ gì mình muốn là chìa khóa để Roblox tham vọng xây dựng một thế giới ảo để người chơi chìm đắm trong đó. Tuy nhiên, mãi gần đây Roblox mới dùng nhiều đến thuật ngữ metaverse trong việc thu hút các nhà đầu tư và cộng đồng quan tâm tới thứ mới mẻ này.
Roblox dự kiến tổ chức lễ hội âm nhạc metaverse đầu tiên có tên gọi World Party vào sáng ngày 24/10 này.
The Sandbox
Cũng như Roblox nhưng The Sandbox là một game ra đời sau vào năm 2012 với cơ chế tương tự cho phép người chơi tạo ra game trong game. Trò chơi hiện có khoảng 1 triệu người chơi hàng tháng.
Điểm đặc biệt của dự án này là nó đã được chuyển đổi lên chuỗi khối từ năm 2018 và phát triển như một game blockchain từ đó đến nay. The Sandbox hiện đang tập trung nhấn mạnh vào khả năng tạo ra metaverse rộng lớn nhiều tiềm năng với đồng tiền ảo trị giá 0,7 USD cùng vốn hóa là 675 triệu USD.