Các lựa chọn bấm “Không thích”, “Không quan tâm” hay “Không đề xuất kênh này” không ảnh hưởng nhiều đến việc YouTube sẽ gợi ý video nào. Thuật toán của YouTube chi phối chủ yếu.
Thuật toán gợi ý của YouTube định hình thông tin mà hàng tỷ người dùng tiếp cận. YouTube dường như cho người dùng tác động đến thuật toán, tỏ thái độ không thích video gợi ý thông qua lựa chọn “Không thích”, “Không quan tâm”, “Xóa khỏi lịch sử” hay “Không đề xuất kênh này” trong mỗi video hoặc ngay từ thumbnail.
Tuy nhiên, những lựa chọn này không có tác dụng. Người dùng không thể loại bỏ các gợi ý không mong muốn — có thể là video tổng hợp các vụ tai nạn ô tô, phát trực tiếp từ vùng chiến sự hay ngôn từ kích động thù địch — ra khỏi trang chủ YouTube của mình, theo nghiên cứu mới từ Mozilla.
Mozilla đã phân tích 7 tháng sử dụng YouTube của hơn 20.000 người để đánh giá hiệu quả thực tế của các lựa chọn nói trên.
Mỗi người tham gia được cài đặt một phần mềm bổ sung vào trình duyệt web, để hiển thị thêm nút “Dừng gợi ý” ở mỗi video YouTube. Khi họ bấm nút này, phần mềm sẽ chuyển thành bấm ngẫu nhiên một trong 4 phản hồi tỏ thái độ không thích video.
Người dùng tự bấm có thể sẽ tạo ra thiên lệch giữa 4 phản hồi, mục đích của phần mềm là để phân bố đều lượt bấm mà vẫn thể hiện được thái độ không thích video gợi ý.
Sau đó, Mozilla rà soát các video bị bấm “Dừng gợi ý” để xem có khác biệt gì với các video YouTube tiếp tục gợi ý cho người dùng không.
Kết quả, phản hồi người dùng có ảnh hưởng “không đáng kể” đến các gợi ý, theo kết luận của nghiên cứu. Trong vòng 7 tháng, trung bình một video bị tỏ thái độ không thích vẫn làm “nảy ra” khoảng 115 video gợi ý tương tự.
Nền tảng này cũng đã nhiều lần bị chỉ trích vì đẩy video khiêu dâm hoặc các nội dung vi phạm chính sách của chính YouTube lên xu hướng.
Nhấn “Không thích”, cách tỏ thái độ trực quan nhất, chỉ hạn chế 12% các gợi ý tương tự so với khi không bấm. Tỷ lệ này là 11% nếu người dùng bấm “Không quan tâm”.
Trong khi đó, YouTube khẳng định rằng người dùng có thể làm thay đổi gợi ý của thuật toán qua cả hai lựa chọn này.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng nếu YouTube cứ gợi ý video người dùng tỏ thái độ thích thì có thể làm củng cố những quan điểm cực đoan.
“Chúng tôi không loại trừ toàn bộ một chủ đề hoặc quan điểm, vì cách này có thể gây ra những tác động tiêu cực cho người xem, tạo ra các ‘buồng dội âm truyền thông’”, Elena Hernandez, người phát ngôn của YouTube, cho biết.
Hernandez cũng chỉ trích rằng Mozilla không nắm rõ cách thuật toán gợi ý của YouTube hoạt động. Tuy nhiên, đây vốn là “hộp đen” mà không ai bên ngoài YouTube biết. Các đơn vị bên ngoài chỉ có thể phân tích đầu vào và đầu ra của thuật toán.
Với người dùng, cách tốt nhất để đối phó với Youtube là ra lệnh thay vì chỉ tỏ thái độ. Lựa chọn “Xóa khỏi lịch sử” làm giảm 29% số lượng video gợi ý tương tự so với khi không bấm, và “Không đề xuất kênh này” có thể làm giảm đến 43%.
Nhưng cho dù đưa ra lựa chọn nào thì người dùng vẫn sẽ bị gợi ý các video tương tự trong tương lai. Mozilla suy đoán rằng YouTube ưu tiên thời gian xem hơn mức độ hài lòng của người dùng.
YouTube luôn nói rằng thuật toán thể hiện người xem, nhưng rõ ràng là người dùng nền tảng này đang không được lắng nghe, theo Mark Bergen, tác giả của Thích, Bình luận, Đăng ký, một cuốn sách gần đây về sự nổi lên của YouTube.